Câu chuyện nuôi con bằng sữa mẹ luôn khiến chúng ta thấy cảm động và thêm yêu những người phụ nữ hơn,. Và còn cảm động hơn nữa khi chính những người phụ nữ ấy đi truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác về việc nuôi con bằng nguồn sữa tự nhiên ấy. Chị Ngọc Mai là một trong số đó.
Bà mẹ Hà thành tâm sự, nuôi con sữa mẹ là một trải nghiệm tuyệt vời và hạnh phúc. Chị luôn mong muốn được lan toả sự hạnh phúc bình yên đó, với nhiều mẹ bỉm sữa hơn nữa. Vì thế nhiều mẹ hay gọi vui chị là “không phải là chuyên gia, nhưng là người truyền cảm hứng nuôi con sữa mẹ”. Yêu sữa mẹ nhưng không quá cuồng sữa mẹ thì mọi thứ sẽ đạt được 1 cách tự nhiên.
“Dù các con cũng đã lớn, cai sữa hơn năm nay rồi nhưng với vai trò là Ban quản trị một Group về sữa mẹ uy tín, mình vẫn luôn mong muốn được đồng hành, được chia sẻ với các mẹ bỉm sữa thật nhiều những kinh nghiệm mà bản thân đã học hỏi và trải qua”, chị Ngọc Mai chia sẻ.
Thứ nhất, chế độ ăn
Chị nhấn mạnh, không cần quá cầu kỳ, hãy ăn những gì mẹ muốn, đừng gò ép mình ăn với tâm lý "phải ăn cho con, phải kiêng vì con". Bởi khi mẹ ăn những món mẹ cảm thấy ngon miệng, tự khắc cơ thể sẽ tiết ra hoocmon tạo sữa nhiều hơn. Khi sữa nhiều và ổn định, thì tự cơ thể mẹ sẽ đòi hỏi ăn nhiều hơn, không cần phải lo lắng quá.
Đừng lo vấn đề "sữa đặc", "sữa loãng", sữa mẹ được chia làm sữa đầu và sữa cuối, sữa đầu nhiều nước/vitamin/kháng thể. Còn sữa cuối mới đặc sánh nhiều chất đạm/béo giúp bé tăng cân.
Nhiều mẹ than thở sữa loãng, đó là do mẹ chưa kiên trì để hút trọn vẹn được sữa cuối hoặc bé chưa bú được đến sữa cuối mà thôi. Điều tối quan trọng trong quá trình kích sữa và nuôi con là phải uống thật nhiều nước mỗi ngày.
“Lý thuyết là tối thiểu 2 lít, nhưng mình nghiệm ra 2 lít là không đủ, quá ít đối với cơ thể “bò sữa” của mẹ. Phải 3 lit trở lên mới ổn, nghe thì nhiều, nhưng mình thấy cũng bình thường, mỗi ngày mình uống 1 lit sữa tươi, 1 lít trà, 1 lit nước lọc, canh/soup mỗi bữa nữa”, bà mẹ hai con cho hay.
Thứ 2, kích sữa bằng máy hút
Các mẹ có thể sử dụng máy đơn hoặc máy đôi để kích. Nhưng chị Mai khuyên nên dùng máy đôi, vì hiệu quả kích sữa cao hơn và thơi gian hút cũng nhanh gọn hơn.
Tại sao lại cần máy hút?
Mẹ nào cũng biết em bé là "máy hút sữa" hoàn hảo nhất, cứ việc ôm con, vạch ti ra là tốt nhất. Vừa tăng tình cảm mẹ con, lại đỡ khoản cọ rửa bình. Thế nhưng, phải khi gặp phải trường hợp ít sữa/thiếu sữa/con không hợp tác thì vị cứu tinh chính là máy hút. Không phải em bé nào, cũng có nhu cầu bú đúng vào thời gian mà mẹ lên lịch. Chị Mai cho biết, bé Siro tháng đầu ngủ suốt, ti mẹ cũng chỉ chọp chẹp vài cái rồi thôi nên mẹ rất khó khăn trong việc kích sữa.
Sữa mẹ sau 6 tuần được tạo nên bởi cơ chế "cung-cầu". Nghĩa là em bé cần bao nhiêu thì sẽ sản xuất ra bấy nhiêu. Vì thế, không có sữa cũng vẫn hút, để gửi tín hiệu đến cơ thể rằng em bé cần thêm sữa để tiết ra hoocmon tạo sữa nhiều hơn. Tốc độ tạo sữa nhanh hay chậm phụ thuộc vào "độ trống" của ống dẫn sữa và tuyến vú. Đừng lo lắng nếu lần này bạn hút được 100ml, nhưng cữ sau có 50ml mà lại có tư tưởng "để dành".
Sử dụng máy hút để kích sữa như thế nào?
- Đối với máy đôi, chị Ngọc Mai khuyên rằng, các mẹ có thể lựa chọn các phương pháp hút phù hợp với mình. sao cho thấy thoải mái nhất, sữa xuống nhiều nhất thì áp dụng. Có thể tham khảo cách hút theo phương pháp 7-5-3.
Tức là: hút 7 phút, nghỉ massage 3 phút, hút 5 phút, nghỉ massage 2 phút, hút 3 phút, nghỉ massage 1 phút. Tổng thời gian là 20 phút. Sau đó lại massage, hút 10 phút, tắt máy nghỉ 10 phút, hút tiếp 10 phút. Massage cho đến khi xuống sữa, chỉnh hút cho đến khi hết sữa, lại lặp lại như vậy. Tổng thời gian khoảng 30-40 phút.
- Đối với máy đơn, bà mẹ trẻ khuyên nên hút theo phương pháp 10-7-3. Hút bên này 10 phút, chuyển bên kia 10 phút. Tổng khoảng 40 phút. Chị Ngọc Mai cũng không khuyến khích cách kích máy đơn, vì đây chỉ là lý thuyết. Theo chị, cách này không thực tế lắm, bản thân chị và các mẹ đã kích sữa thành công cũng chỉ dùng máy đôi.
- Lịch hút:
“Lịch của mình cứ 3 tiếng hút 1 lần vào các giờ: 0h, 3h, 6h, 9h,12h, 15h, 18h, 21h. Lịch hút phải cố định, hút phải đúng giờ, không được lệch quá 30 phút. Nhiều mẹ có tư tưởng bỏ qua cữ đêm, và quan niệm ngủ đủ giấc thì sữa mới về. Đúng, nhưng thực tế chỉ đúng với những mẹ vốn dĩ đã nhiều sữa, hoặc đủ sữa, không thiếu nhiều. Còn những mẹ thiếu nhiều sữa, tuyệt đối không được bỏ qua cữ đêm, vì ban đêm là lúc cơ thể tiết ra nhiều hoocmon tạo sữa nhất, thế nên không được lười”, chị Mai nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bước vào thực tế không phải mẹ nào cũng giống nhau. Thế nên, chị Ngọc Mai nhấn mạnh, các mẹ không nên áp dụng 1 cách quá cứng nhắc. Mục tiêu phải là "kiệt, mà không đau rát" là được. Các mẹ hãy tự mình thử nghiệm, khám phá, biến tấu, sáng tạo ra các phương pháp hút khác nữa, để biết được phương pháp nào phù hợp với bản thân các mẹ hơn. Hãy lắng nghe cơ thể mình, ko ai hiểu cơ thể các mẹ bằng chính các mẹ cả.
Bên cạnh đó, trong quá trình hút mẹ không nên chăm chăm vào bình sữa, cần phải hiểu là mình đang kích sữa, chứ không phải đang hút sữa. Được bao nhiêu không quan trọng, nghe 1 bản nhạc hoặc xem phim hài khi kích, cũng làm quá trình kích sữa thành công nhanh hơn.
“Lịch hút khá dày đặc, nên khi hút xong mẹ có thể để dụng cụ hút (phễu) vào trong 1 hộp kín rồi để ngăn mát. Ngày chỉ cần rửa tiệt trùng 2 lần là đủ. Nếu đến lịch hút mà em bé đòi ti thì cho em bú xong hút thêm 10 phút nữa.
Ngoài ra, phương pháp hút 7-5-3/10-7-3 áp dụng đối với các mẹ mới bắt tay vào công cuộc kích sữa, về sau khi lượng sữa đã tạm ổn thì chỉ cần massage 1-3 phút, rồi sau đó hút 20 phút liền mạch cũng được. Trong suốt quá trình hút, mẹ để ý sẽ thấy khoảng 2-3 lần xuống sữa là đạt. Điểm mấu chốt của việc nhiều sữa là khả năng xuống sữa, càng xuống sữa nhiều thì càng hút được nhiều sữa, khi ấy mẹ cũng hút được sữa cuối nhiều hơn.
Lượng sữa sẽ tăng dần dần, từng chút một, có nhiều khi mẹ không nhận ra, nên làm 1 quyển sổ tay ghi lại từng cữ hút, lượng sữa từng cữ hút được, để sau này so sánh dễ dàng hơn. Thường thì khi mẹ thực hiện đều đặn như vậy, tâm lý thoải mái, khoảng 2-4 tuần đã bắt đầu nhận thấy có chuyển biến tích cực. Trong trường hợp ngực bị lệch, lượng sữa thu được ở 2 bên ngực không cân nhau, bên nhiều bên ít, sau khi kết thúc đợt hút 20 phút, mẹ nên tắt máy và hút thêm bên ít sữa 10 phút nữa.
Mình bổ sung thêm lý do tại sao mới kích sữa 2-3h/lần, nhưng có mẹ hỏi "thế thì thời gian ngủ ở đâu". Mỗi người có 1 "con số kỳ diệu" khác nhau, 2-3h/lần là cữ tăng sữa, 4h/lần là cữ duy trì, 5h trở lên là cữ giảm sữa. Tức là khi đã đạt được lượng sữa mong muốn, để duy trì lượng sữa đó 4h/hút/lần lượng sữa sẽ không bị giảm đi. Khi lượng sữa tạm ổn thì mẹ có thể giãn cữ đêm ra”, chị Ngọc Mai chia sẻ chi tiết.
Trải qua hơn 1 tháng kích sữa, bà mẹ trẻ đã thực hiện giãn cữ dần từ 3h/lần sang 4h/lần trong 2 tuần tiếp theo, rồi 2 tuần tiếp nữa 5h/lần, và giờ là 6h/lần. Mỗi ngày chị chỉ cần hút 4 lần là thoải mái sữa cho con bú, bú bình, trữ đông. Nếu giãn cữ dần dần cơ thể kịp thích nghi thì lượng sữa không bị giảm, nên chị hoàn toàn yên tâm. Hiện tại, chị Ngọc Mai cứ đều đều 1,6-1,7 lít/ngày, sữa về tràn trề đảm bảo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.